“…WHILST THE GREAT OCEAN OF TRUTH LAY ALL UNDISCOVERED BEFORE ME.”

Mình bảo vệ luận án tiến sĩ hôm 30/6 vừa rồi. Luận án của mình về vấn đề truyền thông vô tuyến không biết trước thông tin kênh truyền, được hội đồng đánh giá tốt. Đây cũng là dịp để mình nhìn lại chặng đường đã qua.

Nhận xét của Hội đồng về luận án của mình

Mười năm trước, mình bắt đầu học đại học ngành viễn thông tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Lúc chọn ngành, vì thích toán và lý, mình muốn theo một ngành công nghệ sử dụng nhiều kiến thức hai môn này. Nhìn quanh mình lúc đó, mình thấy chiếc điện thoại là thứ đồ công nghệ thật hữu dụng và thú vị. Mình nhớ thời đó điện thoại di động mới bắt đầu phổ biến. Tụi học trò mê mẩn nhắn tin cho nhau đến thuộc cả phím bấm không cần nhìn, tặng nhau nhạc chờ, và nhiều khi gọi điện cho nhau chỉ để nghe bài nhạc chờ mới. Mình chọn ngành viễn thông với mong muốn đơn giản là tìm hiểu về hệ thống, trở thành một kỹ sư và sau này làm việc cho một công ty như Viettel chẳng hạn.

Tám năm trước, mình đăng ký chương trình thực tập hè tại Đại học Quốc gia Singapore để trải nghiệm. May mắn là mình được nhận và sang đó thực tập trong tháng 7/2012. Đó là lần đầu tiên mình được nhúng trong một môi trường quốc tế. Khi đó mình còn mới bập bẹ nói tiếng Anh đôi chút, giao tiếp với mọi người câu được câu chăng. Công việc đơn giản là đo đạc khảo sát tính chất của pin mặt trời trong nhiều điều kiện sáng khác nhau, nhưng đã cho mình ấn tượng rất tốt và thôi thúc mình tiếp tục đi thêm để trải nghiệm.

Sau chuyến đi Singapore, mình tham gia nhóm nghiên cứu của thầy Nguyễn Linh Trung về kỹ thuật mã mạng. Thời gian đó mình tham gia nhiều hoạt động sinh viên nên thời gian bị phân tán. Ngoài ra, mình mắc cái tật là khi vướng phải một vấn đề khó thì cuống, cứ loay hoay tìm cách này cách kia mà không thống nhất, dẫn đến mất thời gian mà công việc không trôi. Thầy dạy mình: đừng bao giờ cố tránh vấn đề khó trong nghiên cứu, cứ đi thẳng và “san phẳng” nó. Việc này mình cũng học được từ người bạn làm cùng mình lúc đó, rồi công việc cũng tiến triển hơn và đạt được một số kết quả tích cực.

Năm năm trước, sau khi ở lại trường ĐH Công nghệ làm việc một năm, mình sang Pháp học thạc sĩ tại trường CentraleSupélec, Đại học Paris-Saclay. Chương trình học khá nặng về toán, môn nào cũng dạy từ nền tảng toán mà đi lên. Mình rất thích điều đó, vì nó giải thích tại sao mà hệ thống lại được vận hành theo cái cách mà mình được học thời đại học. Mình thích những môn có tính logic cao, đi từ một số tiên đề cơ bản để xây dựng các bổ đề, định lý, dẫn đến những kết quả có ý nghĩa, ví dụ như môn lý thuyết thông tin. Hồi đại học mình chưa được học môn này nên chẳng biết entropy là cái gì. Mình thấy thật thú vị khi có thể đo lường thông tin và tính được lượng thông tin tối ưu có thể truyền tin cậy qua một kênh theo một cách sáng tỏ như vậy. Cũng thật thú vị khi có thể giải thích những điều rất trực quan như “cho trước điều kiện (conditioning) về một điều gì đó làm giảm sự bất định (uncertainty) về điều đó”, hay “thông tin chung giữa hai điều là mức suy giảm độ bất định về điều này khi cho trước điều kia” qua lăng kính toán học.

Mình liên hệ cô Mari Kobayashi để làm thực tập về kỹ thuật caching. Trong quá trình làm việc, mình làm chung ngày càng nhiều với thầy Sheng Yang. Mình may mắn là họ đều rất nhiệt tình với mình, và chỉ cho mình cẩn thận từng chút một. Mình đã rất thích thú khi thầy Sheng bảo mình cùng viết một bài báo, vì đó là bài báo đầu tiên của mình ở một hội nghị quốc tế đúng nghĩa. Và rồi những bài sau đó ra đời, mình thêm tin tưởng là mình có thể làm nghiên cứu và viết những bài báo tốt. Họ đề nghị mình ở lại làm Ph.D. cùng, mình đồng ý mà không hề đắn đo.

Thời gian này bốn năm trước, mình bắt đầu tìm funding cho đề tài tiến sĩ. Cô Mari và thầy Sheng dẫn mình đến Nokia Bell Labs nói chuyện với một người đang lên nhanh lúc đó về đề tài sử dụng machine learning cho truyền thông. Sau đó, mình cũng đến Huawei phỏng vấn cho một đề tài về truyền thông không biết trước thông tin kênh truyền (noncoherent communications). Cuối cùng mình chọn đề tài tại Huawei vì nó hấp dẫn mình hơn. Như mình đã nói, mình thích những môn học nền tảng (fundamental) ở master, và muốn làm việc về một thứ fundamental hơn trước khi tìm hiểu về machine learning hay những fancy topics khác. Sau này người ở Nokia rất thành công với hướng đó, nhưng mình không hề tiếc nuối bởi với đề tài tại Huawei mình cũng đã học được rất nhiều điều.

Do cô Mari chuyển công tác, hai người hướng dẫn mình là thầy Sheng tại CentraleSupélec và thầy Maxime Guillaud tại Huawei. Hai người đã liên tục chỉ dẫn, hỗ trợ và cho mình ý tưởng. Thầy Sheng dạy mình việc cố gắng nhìn rõ cái cốt lõi (essense) của một vấn đề thông qua xem xét một ví dụ đơn giản nhưng mang đủ những thành phần quan trọng của vấn đề đó. Mình học được thầy việc xử lý mọi việc, trong và ngoài nghiên cứu, dùng cái đầu chứ không dùng cơ bắp. Thầy Maxime thì luôn tạo điều kiện tốt nhất cho mình tận dụng môi trường đa dạng tại Huawei, kết nối mình với những người mà mình được trao đổi, hợp tác. Hai thầy lại có chuyên môn bù trừ cho nhau: thầy Sheng thiên về lý thuyết thông tin, thầy Maxime thiên về thiết kế hệ thống truyền thông, nên mình cùng lúc học hỏi được rất nhiều điều từ cả hai thầy. Luận án của mình cũng chia theo hai hướng như vậy.

Ngoài nghiên cứu, trong thời gian học tập tại Pháp, mình cũng có may mắn được tham gia một số chương trình thú vị. Thông qua Quỹ Honda, mình tham gia tổ chức Diễn đàn Honda cho kỹ sư và khoa học trẻ châu Á tại Tokyo năm 2015. Qua đó, mình được trải nghiệm môi trường tại Nhật Bản, gặp gỡ những người trẻ tuổi tài năng, và những nhà khoa học đại Giải thưởng Honda có đóng góp lớn cho xã hội. Rồi tháng 9/2019, mình tham dự Diễn đàn Heidelberg Laureate, nơi mình được giao lưu và truyền cảm hứng từ những “ngôi sao” trong toán học và khoa học máy tính trên thế giới, những cha đẻ của cái A và cha đẻ của cái B. Mình rất ngưỡng mộ họ bởi những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lớn đến cộng đồng, và ước ao cũng có một ngày tạo ra những kết quả như vậy.

Thấm thoắt đã hết mấy năm. Ngay lúc này nhìn lại chặng đường đã qua, mình cảm thấy biết ơn và trân trọng những gì mình đã học và thu lượm được, và thích thú với những điều chờ mình phía trước. Sau buổi bảo vệ, thực ra mình không có cảm xúc đặc biệt gì với riêng ngày hôm đó hay với tấm bằng tiến sĩ. Với mình, quá trình đưa mình đến đó có ý nghĩa hơn nhiều. Mình đặt dòng mô tả trên facebook là “một cậu bé lang thang đi tìm những viên đá nhiều màu sắc”. Mình đơn giản là vừa lượm thêm một viên đá đẹp, nhưng tạm thời cất vào trong túi để “lang thang” tiếp, bởi như Newton nói, “đại dương sự thật còn chưa được khám phá trải bao la phía trước”.

About khachoang1412

A wandering boy, searching for colorful pebbles on the great journey of life.
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment