CÁNH DIỀU VÀ NHỮNG ĐIỀU XƯA CŨ

Thả diều vốn là thú vui giản dị, tao nhã bao đời nay. Hình ảnh những chiếc diều bay cao vút trên nền trời xanh, vươn đôi cánh cong cong trên đồng quê bao la thật đẹp. Cánh diều đi vào thơ ca, văn học và cả những bức tranh Đông Hồ. Thú vui dân gian này cũng đẹp và đáng quý như những trò đánh đu ở Hội Lim, hay ném còn ở miền Tây Bắc.

Chỉ tiếc là niềm vui này gần đây không còn được cổ vũ, vì nó làm ảnh hưởng đến lưới điện, gây sự cố, hậu quả kinh tế. Từ một thú vui dân dã, việc thả diều bỗng bị lên án, trở thành một điều không phù hợp, cần phải loại bỏ. Cuộc sống thay đổi, hiện đại lên, những điều xưa cũ không còn theo kịp, cánh diều cũng vậy. Có khác là trong khi những nét đẹp khác còn được cổ vũ và khuyến khích duy trì (như trò đánh đu, ném còn ở trên) thì thả diều ở đồng quê không còn được khuyến khích nữa.

Mình lớn lên từ nhà quê, lại tính hoài cổ nên hay tiếc những điều xưa cũ ấy. Đôi khi bật xem lại những bộ phim cũ về làng quê, mình lại thấy tấm tắc trong lòng với cái nét mộc mạc của cây đa, bến nước, sân đình. Hồi còn đi học Đại học ở Hà Nội, đường về quê của mình đi qua phà Đông Xuyên để qua sông Cầu (khi đó chưa có cầu Đông Xuyên). Mình thích đi qua con phà nhỏ ở phía dưới hơn là phà to, một phần vì sang bên kia sông có một bà cụ ngồi bán nước dưới gốc cây đa. Mình thích khung cảnh đó. Đến khi có cầu rồi, không mấy ai đi phà nữa, liệu còn ai dừng chân uống nước, và bà cụ còn ngồi ở đó nữa không?

Dù sao, mỗi khi nghĩ về làng quê, nhắm mắt lại mà tưởng tượng đang nằm trên bãi cỏ ngước lên bầu trời, mình thích hình ảnh hiện ra là những đàn chim và cánh diều hơn là những cột sắt thép và những đường dây điện chạy ngang, chạy dọc…

Posted in Cái nhìn cuộc sống | Leave a comment

Truyền thông vô tuyến – Cơ bản và ứng dụng

Vào ngày 07/06/2020, mình đã có một bài chia sẻ trực tuyến về lĩnh vực truyền thông vô tuyến mà mình đang nghiên cứu.

📱📡Viễn thông là ngành phát triển nhanh và có ảnh hưởng lớn đến cách con người liên lạc, chia sẻ thông tin, cho đến cách làm việc. Hiện nay, hầu như ai cũng có một hoặc nhiều chiếc điện thoại (thông minh). Với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, một bà mẹ bỉm sữa cũng có thể trở thành một nhà kinh doanh. Gần đây, mọi người nói nhiều về mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) với cả những triển vọng và lo ngại. Trong khi đó, việc nghiên cứu cho 6G cũng đã bắt đầu.

🛰 Vậy những vấn đề cơ bản và ứng dụng của truyền thông vô tuyến là gì? Tại sao lại có những thế hệ khác nhau của mạng di động? Những vấn đề mới trong nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này là gì?

🧐 Mục đích của bài giảng là khái quát những vấn đề trên qua hiểu biết của mình. Đối tượng chính của bài giảng là các bạn học sinh, sinh viên để truyền thụ kiến thức, tạo động lực, định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, mình cũng mong muốn được trao đổi, học hỏi với các bạn, các anh chị làm việc trong lĩnh vực này.

Mời các bạn xem bài trình bày của mình tại video trên.

Posted in Sự kiện | Leave a comment

Để học ngành viễn thông, học THPT cần điều kiện gì?

Đây là câu trả lời của mình cho câu hỏi tiêu đề đến từ thầy Hiệu trưởng trường THPT cũ của mình:

“Theo kinh nghiệm của em, để học tập và làm việc ngành viễn thông, cần có một số kỹ năng cơ bản sau:

1. Toán học

Như em đã trình bày, kênh truyền vô tuyến được diễn tả dưới dạng mô hình toán, và để giải quyết các vấn đề liên quan (tính dung lượng kênh, giải mã tín hiệu, phân tích phẩm chất hệ thống…) cần kiến thức toán học, đặc biệt là: + Xác suất, thống kê: vì môi trường truyền thông là ngẫu nhiên, hệ số kênh, nhiễu, tín hiệu đều được mô hình hóa dưới dạng biến ngẫu nhiên; + Đại số tuyến tính: vì mối liên quan giữa các đại lượng trên được biểu diễn bởi một phương trình tuyến tính; + Giải tích số phức và số thực: vì các đại lượng này là các số phức/thực.

2. Kỹ năng thuật toán và giải quyết vấn đề

Ở đây em nói kỹ năng thuật toán chứ không phải lập trình để nhấn mạnh vào tư duy giải quyết vấn đề. Ví dụ có bài toán như vậy, những biến số như vậy, mục tiêu như vậy (như giảm độ lỗi…) thì phải làm thế nào để giải quyết. Lập trình là việc thực thi thuật toán thông qua một ngôn ngữ lập trình, có thể mài giũa được khi nhúng tay vào làm thường xuyên.

3. Vật lý

Cái này tùy vào hướng làm. Ví dụ như em làm trên mô hình toán thì dùng toán là chủ yếu, vật lý không dùng nhiều. Tuy nhiên với những người làm về mô hình truyền sóng, với thiết bị thực tế thì cần hiểu về bản chất vật lý của sóng và các thiết bị đó.

4. Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất (với ngành nào cũng vậy), theo em là đam mê và niềm yêu thích với ngành đó. Ví dụ em thích ngành viễn thông vì nó cho thấy ứng dụng trực tiếp của các kiến thức toán lý đến cuộc sống, em thích nghiên cứu vì nó cho em cơ hội được tạo ra giá trị, đi đây đó trải nghiệm, gặp những người giỏi, và trưởng thành hơn.”

Posted in Cái nhìn cuộc sống | Leave a comment

“…WHILST THE GREAT OCEAN OF TRUTH LAY ALL UNDISCOVERED BEFORE ME.”

Mình bảo vệ luận án tiến sĩ hôm 30/6 vừa rồi. Luận án của mình về vấn đề truyền thông vô tuyến không biết trước thông tin kênh truyền, được hội đồng đánh giá tốt. Đây cũng là dịp để mình nhìn lại chặng đường đã qua.

Nhận xét của Hội đồng về luận án của mình

Mười năm trước, mình bắt đầu học đại học ngành viễn thông tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Lúc chọn ngành, vì thích toán và lý, mình muốn theo một ngành công nghệ sử dụng nhiều kiến thức hai môn này. Nhìn quanh mình lúc đó, mình thấy chiếc điện thoại là thứ đồ công nghệ thật hữu dụng và thú vị. Mình nhớ thời đó điện thoại di động mới bắt đầu phổ biến. Tụi học trò mê mẩn nhắn tin cho nhau đến thuộc cả phím bấm không cần nhìn, tặng nhau nhạc chờ, và nhiều khi gọi điện cho nhau chỉ để nghe bài nhạc chờ mới. Mình chọn ngành viễn thông với mong muốn đơn giản là tìm hiểu về hệ thống, trở thành một kỹ sư và sau này làm việc cho một công ty như Viettel chẳng hạn.

Tám năm trước, mình đăng ký chương trình thực tập hè tại Đại học Quốc gia Singapore để trải nghiệm. May mắn là mình được nhận và sang đó thực tập trong tháng 7/2012. Đó là lần đầu tiên mình được nhúng trong một môi trường quốc tế. Khi đó mình còn mới bập bẹ nói tiếng Anh đôi chút, giao tiếp với mọi người câu được câu chăng. Công việc đơn giản là đo đạc khảo sát tính chất của pin mặt trời trong nhiều điều kiện sáng khác nhau, nhưng đã cho mình ấn tượng rất tốt và thôi thúc mình tiếp tục đi thêm để trải nghiệm.

Sau chuyến đi Singapore, mình tham gia nhóm nghiên cứu của thầy Nguyễn Linh Trung về kỹ thuật mã mạng. Thời gian đó mình tham gia nhiều hoạt động sinh viên nên thời gian bị phân tán. Ngoài ra, mình mắc cái tật là khi vướng phải một vấn đề khó thì cuống, cứ loay hoay tìm cách này cách kia mà không thống nhất, dẫn đến mất thời gian mà công việc không trôi. Thầy dạy mình: đừng bao giờ cố tránh vấn đề khó trong nghiên cứu, cứ đi thẳng và “san phẳng” nó. Việc này mình cũng học được từ người bạn làm cùng mình lúc đó, rồi công việc cũng tiến triển hơn và đạt được một số kết quả tích cực.

Năm năm trước, sau khi ở lại trường ĐH Công nghệ làm việc một năm, mình sang Pháp học thạc sĩ tại trường CentraleSupélec, Đại học Paris-Saclay. Chương trình học khá nặng về toán, môn nào cũng dạy từ nền tảng toán mà đi lên. Mình rất thích điều đó, vì nó giải thích tại sao mà hệ thống lại được vận hành theo cái cách mà mình được học thời đại học. Mình thích những môn có tính logic cao, đi từ một số tiên đề cơ bản để xây dựng các bổ đề, định lý, dẫn đến những kết quả có ý nghĩa, ví dụ như môn lý thuyết thông tin. Hồi đại học mình chưa được học môn này nên chẳng biết entropy là cái gì. Mình thấy thật thú vị khi có thể đo lường thông tin và tính được lượng thông tin tối ưu có thể truyền tin cậy qua một kênh theo một cách sáng tỏ như vậy. Cũng thật thú vị khi có thể giải thích những điều rất trực quan như “cho trước điều kiện (conditioning) về một điều gì đó làm giảm sự bất định (uncertainty) về điều đó”, hay “thông tin chung giữa hai điều là mức suy giảm độ bất định về điều này khi cho trước điều kia” qua lăng kính toán học.

Mình liên hệ cô Mari Kobayashi để làm thực tập về kỹ thuật caching. Trong quá trình làm việc, mình làm chung ngày càng nhiều với thầy Sheng Yang. Mình may mắn là họ đều rất nhiệt tình với mình, và chỉ cho mình cẩn thận từng chút một. Mình đã rất thích thú khi thầy Sheng bảo mình cùng viết một bài báo, vì đó là bài báo đầu tiên của mình ở một hội nghị quốc tế đúng nghĩa. Và rồi những bài sau đó ra đời, mình thêm tin tưởng là mình có thể làm nghiên cứu và viết những bài báo tốt. Họ đề nghị mình ở lại làm Ph.D. cùng, mình đồng ý mà không hề đắn đo.

Thời gian này bốn năm trước, mình bắt đầu tìm funding cho đề tài tiến sĩ. Cô Mari và thầy Sheng dẫn mình đến Nokia Bell Labs nói chuyện với một người đang lên nhanh lúc đó về đề tài sử dụng machine learning cho truyền thông. Sau đó, mình cũng đến Huawei phỏng vấn cho một đề tài về truyền thông không biết trước thông tin kênh truyền (noncoherent communications). Cuối cùng mình chọn đề tài tại Huawei vì nó hấp dẫn mình hơn. Như mình đã nói, mình thích những môn học nền tảng (fundamental) ở master, và muốn làm việc về một thứ fundamental hơn trước khi tìm hiểu về machine learning hay những fancy topics khác. Sau này người ở Nokia rất thành công với hướng đó, nhưng mình không hề tiếc nuối bởi với đề tài tại Huawei mình cũng đã học được rất nhiều điều.

Do cô Mari chuyển công tác, hai người hướng dẫn mình là thầy Sheng tại CentraleSupélec và thầy Maxime Guillaud tại Huawei. Hai người đã liên tục chỉ dẫn, hỗ trợ và cho mình ý tưởng. Thầy Sheng dạy mình việc cố gắng nhìn rõ cái cốt lõi (essense) của một vấn đề thông qua xem xét một ví dụ đơn giản nhưng mang đủ những thành phần quan trọng của vấn đề đó. Mình học được thầy việc xử lý mọi việc, trong và ngoài nghiên cứu, dùng cái đầu chứ không dùng cơ bắp. Thầy Maxime thì luôn tạo điều kiện tốt nhất cho mình tận dụng môi trường đa dạng tại Huawei, kết nối mình với những người mà mình được trao đổi, hợp tác. Hai thầy lại có chuyên môn bù trừ cho nhau: thầy Sheng thiên về lý thuyết thông tin, thầy Maxime thiên về thiết kế hệ thống truyền thông, nên mình cùng lúc học hỏi được rất nhiều điều từ cả hai thầy. Luận án của mình cũng chia theo hai hướng như vậy.

Ngoài nghiên cứu, trong thời gian học tập tại Pháp, mình cũng có may mắn được tham gia một số chương trình thú vị. Thông qua Quỹ Honda, mình tham gia tổ chức Diễn đàn Honda cho kỹ sư và khoa học trẻ châu Á tại Tokyo năm 2015. Qua đó, mình được trải nghiệm môi trường tại Nhật Bản, gặp gỡ những người trẻ tuổi tài năng, và những nhà khoa học đại Giải thưởng Honda có đóng góp lớn cho xã hội. Rồi tháng 9/2019, mình tham dự Diễn đàn Heidelberg Laureate, nơi mình được giao lưu và truyền cảm hứng từ những “ngôi sao” trong toán học và khoa học máy tính trên thế giới, những cha đẻ của cái A và cha đẻ của cái B. Mình rất ngưỡng mộ họ bởi những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lớn đến cộng đồng, và ước ao cũng có một ngày tạo ra những kết quả như vậy.

Thấm thoắt đã hết mấy năm. Ngay lúc này nhìn lại chặng đường đã qua, mình cảm thấy biết ơn và trân trọng những gì mình đã học và thu lượm được, và thích thú với những điều chờ mình phía trước. Sau buổi bảo vệ, thực ra mình không có cảm xúc đặc biệt gì với riêng ngày hôm đó hay với tấm bằng tiến sĩ. Với mình, quá trình đưa mình đến đó có ý nghĩa hơn nhiều. Mình đặt dòng mô tả trên facebook là “một cậu bé lang thang đi tìm những viên đá nhiều màu sắc”. Mình đơn giản là vừa lượm thêm một viên đá đẹp, nhưng tạm thời cất vào trong túi để “lang thang” tiếp, bởi như Newton nói, “đại dương sự thật còn chưa được khám phá trải bao la phía trước”.

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Phát triển đất nước nhờ hội tụ công nghệ thông tin và truyền thông

Vừa rồi mình cùng với Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổ chức Hội thảo Hội tụ công nghệ thông tin và truyền thông cho sự phát triển của đất nước, hướng đến Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ III (TP Hồ Chí Minh, 20-22/11/2020).

Ngày nay, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống con người. ICT là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế, góp phần hiện đại hóa đất nước và đưa nước ta phát triển giàu mạnh. Tại hội thảo này, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân khởi nghiệp và các bạn trẻ cùng chia sẻ, thảo luận về các công nghệ then chốt trong hội tụ ICT như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), mạng kết nối vạn vật (IoT)… Qua đó đóng góp ý kiến, kiến kế các giải pháp ICT đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước với tầm nhìn VIỆT NAM 2045. Hội thảo quy tụ các bài trình bày của những nhân vật người Việt trẻ (8X-9X) trên toàn cầu, nổi bật trong học thuật, startup và công nghiệp, đưa tới những góc nhìn kinh nghiệm và kiến thức đa dạng.

Hội thảo có 10 bài trình bày, chia thành hai phiên:

Phiên 1 (17/10/2020): Các công nghệ chuyển đổi số

Bài trình bày 1: “Chuyển Đổi Số và ChatBot”

Diễn giả: Lê Anh Tiến, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Bot Bán Hàng, Việt Nam.

Bài trình bày 2: “Công Nghệ FinTech và Bảo Mật”

Diễn giả: TS. Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc Khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar của Kapersky.

Bài trình bày 3: “Công Nghệ Blockchain”

Diễn giả: Trí Phạm, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của KardiaChain, Anh Quốc.

Bài trình bày 4: “Chuyển Đổi Số Cho Giao Thông Công Cộng Tại Việt Nam Hướng Tới Phát Triển Thành Phố Thông Minh”

Diễn giả: Lê Yên Thanh, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của BusMap và Elefos, Việt Nam.

Bài trình bày 5: “Công Nghệ Điện Toán Đám Mây Trong 5G và 6G”

Diễn giả: TS. Đào Như Ngọc, Giáo sư tập sự, Đại học Sejong, Hàn Quốc.

Phiên 2 (18/10/2020): Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng kết nối vạn vật (IoT)

Bài trình bày 6: “Ứng dụng AI Trong Tối Ưu Dây Truyền Sản Xuất Công Nghiệp”

Diễn giả: TS. Trần Quốc Huy, Đồng sáng lập và Giám đốc công nghệ (CTO) của Retrocausal tại Seatle, Mỹ và Nhà nghiên cứu của NEC Labs tại San Francisco, Mỹ.

Bài trình bày 7: “Robotics và AI”

Diễn giả: TS. Nguyễn Đức Cảnh, Công ty BALYO, Pháp.

Bài trình bày 8: “Công Nghệ IoT và Nông Nghiệp Thông Minh”

Diễn giả: Nguyễn Đức Huy, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Thủy canh Việt (Vietponics).

Bài trình bày 9: “AI – Ứng Dụng Vào Chuyển Đổi Số Trong Bán Hàng Thời Trang”

Diễn giả: Phạm Duy Lai, Trưởng nhóm AI tại Công ty Enouvo Solutions, Việt Nam.

Bài trình bày 10: “Ứng Dụng Của Trí Tuệ Bầy Đàn Trong Tối Ưu Hoá Mạng 5G và 6G”

Diễn giả: TS. Phạm Quốc Việt, Giáo sư nghiên cứu, Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc.

Hội thảo đã rút ra được những nội dung chính sau:

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là ngành mũi nhọn trong Cách mạng công nghiệp 4.0 và việc xây dựng một nền kinh tế số. Khai thác và nâng cao trình độ ICT tại Việt Nam sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo đòn bẩy phát triển các ngành kinh tế. Hiện nay các ngành ICT đang phát triển nhanh và năng động trong cả học thuật, công nghiệp và doanh nghiệp trên thế giới. Việt Nam cần có chiến lược phù hợp để triển khai các công nghệ này một cách hiệu quả.

Các công nghệ chủ chốt trong ICT bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Chuỗi khối (Block chain), Điện toán đám mây – lưới – biên (Cloud – grid – edge computing), Công nghệ mạng thế hệ sau (5G, 6G…), Robot tự hành (Autonomous Robots), Tính toán lượng tử (Quantum computing), Công nghệ an ninh mạng (cybersecurity), Mô phỏng (Simulation)…

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển các ngành ICT như: nền kinh tế mở và năng động, còn nhiều thị trường cho các sản phẩm ICT; có nguồn lao động ICT ngày một tăng cả về lượng và chất; người dân cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận, sử dụng các công nghệ mới; thị trường ICT tăng trưởng mạnh trong các năm gần đây; đã là một trung tâm sản xuất phần cứng và gia công phần mềm thu hút nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài. Ngoài ra, trong bối cảnh chiến tranh thương mai Mỹ – Trung, Việt Nam cũng có thể đón nhận sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn công nghệ.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp phải nhiều khó khăn thách thức trong việc phát triển các ngành ICT. Các tập đoàn lớn trên thế giới đã đi trước trong nghiên cứu phát triển các công nghệ này và chiếm lĩnh thị trường, ví dụ như các công nghệ về mạng truyền thông thế hệ mới, điện toán đám mây. Việc triển khai các công nghệ luôn cần song hành vấn đề kỹ thuật, nguồn nhân lực và chính sách. Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu các chính sách và luật cụ thể về một số lĩnh vực, dẫn đến khó quản lý và cạnh tranh không minh bạch. Ví dụ như trong lĩnh vực Fintech, các doanh nghiệp Fintech vẫn đang được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước theo luật doanh nghiệp nói chung chứ chưa có cơ chế riêng phù hợp.

Việc ứng dụng các công nghệ mới cũng mở ra các nguy cơ về bảo mật an ninh thông tin, trong khi nhận thức về an ninh thông tin ở nhiều cấp tại Việt nam còn thấp. Việt Nam được đánh giá là nằm trong những nước có nguy cơ mất an toàn thông tin cao trong châu Á, đặc biệt là về bảo mật nội bộ.

Việc áp dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngành nghề yêu cầu lao động cần có chuyên môn về cả lĩnh vực ngành nghề đó và ICT. Một vấn đề là trình độ tiếng Anh của lao động phổ thông còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp thu các công nghệ, ví dụ như trong triển khai nông nghiệp thông minh.

Dựa trên các bình luận, phân tích ở trên, nhóm diễn giả và các trí thức trẻ tham gia hội thảo đề xuất một số ý kiến như sau để phát triển ICT, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam:

  1. Xác định rõ cơ hội, thách thức, ưu và nhược điểm của Việt Nam trong các lĩnh vực ICT để xác định các lĩnh vực mũi nhọn, xây dựng chiến lược phát triển dài hạn.

2. Hoàn thiện thể chế và chính sách liên quan đến việc ứng dụng công nghệ trong các ngành, đặc biệt là lĩnh vực Fintech.

3. Đẩy mạnh công nghệ Fintech, hướng tới thanh toán không tiền mặt. Tuy nhiên cũng cần quản lý chặt chẽ việc cho vay hàng ngang qua các ứng dụng di động.

4. Xây dựng mô hình bảo mật tổng thể đa cấp (từ CEO đến nhân viên) trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Xây dựng một trung tâm an ninh mạng tại Việt nam nhằm quản trị toàn diện an ninh mạng.

5. Ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số như chatbot, blockchain… trong doanh nghiệp, hành chính, y tế, giáo dục, giao thông… nhằm xây dựng một hệ sinh thái cho khách hàng và người dân được phục vụ. Một số ứng dụng cụ thể như chính quyền điện tử, sổ y tế điện tử, học bạ điện tử, hệ thống thông tin giao thông công cộng. (Thời gian ước tính để số hóa hệ thống giao thông công cộng tại một tỉnh là 6 tuần.)

6. Trong quá trình chuyển đổi số, cần làm chủ nguồn dữ liệu lớn thu thập được phục vụ cho các mục đích quản lý, quy hoạch. Ví dụ dữ liệu về người dùng phương tiện giao thông công cộng (phương tiện, mật độ, đối tượng sử dụng…) có thể được thu thập từ các ứng dụng tra cứu thông tin giao thông, phục vụ quy hoạch đô thị, hướng đến xây dựng thành phố thông minh.

7. Xây dựng các mô hình phát triển phù hợp với tình hình Việt Nam. Ví dụ, công nghệ điện toán đám mây bao gồm hạ tầng, dịch vụ và dữ liệu. Về mặt hạ tầng, các trung tâm tính toán lớn đã được đặt ở các nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam có thể triển khai các trung tâm tính toán ở quy mô nhỏ hơn (điện toán sương mù, điện toán biên) đồng thời làm chủ được phần dịch vụ và dữ liệu để vẫn thu được giá trị lớn.

8. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận và áp dụng công nghệ. Thêm nội dung đào tạo về công nghệ trong các lĩnh vực có tiềm năng chuyển đổi số cao. Nâng cao năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cho người lao động.

9. Ứng dụng các công nghệ ICT, mạng kết nối vạn vật vào nông nghiệp thông minh nhằm tăng năng suất lao động, tăng độ chính xác trong quyết định, kiểm soát hệ sinh thái, phát huy tối đa thế mạnh về nông nghiệp của Việt Nam. Nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh trên cả nước.

10. Xây dựng một nền tảng ICT giúp đảm bảo vận hành nền kinh tế và xã hội ngay cả trong những điều kiện khó khăn như phong tỏa do dịch bệnh, làm việc từ xa. Phát triển các giải pháp ICT nhằm ứng phó với các thiên tai, biến đổi khí hậu, ví dụ như dự báo bão lũ, dự báo sạt lở đất, sử dụng thiết bị bay không người lái trong tìm kiếm cứu nạn…

11. Tăng cường hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa các trường, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp nhằm tiếp nhận và làm chủ các công nghệ mới, nâng cao trình độ của đội ngũ kỹ sư, nhà nghiên cứu trong nước.

Posted in Sự kiện | Leave a comment

HỌC THẾ NÀO VÀ HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

Hôm trước mình về nói chuyện với học sinh trường cấp ba cũ (THPT Hiệp Hòa số 1, Bắc Giang) để chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc của các em về chuyện học hành và cuộc sống. Các em hỏi nhiều về phương pháp và mục đích của việc học. Mình thì chỉ nhấn mạnh chung chung về tầm quan trọng của niềm đam mê và hình như chưa đưa được câu trả lời đủ chi tiết để thỏa mãn các em học sinh. Một phần vì mình không có nhiều thời gian để chuẩn bị câu trả lời chi tiết. Nhưng phần lớn cũng là vì sau tất cả những gì mình trải qua, đam mê thực sự là điều quan trọng nhất.

Điều này làm mình nhớ đến một bài viết rất hay của Ngô Bảo Châu (NBC) về việc học như thế nào:
https://hocthenao.vn/2013/…/08/hoc-nhu-the-nao-ngo-bao-chau/
Trong đó, NBC mở lời rằng “Tôi rất hay được các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh hỏi về “bí quyết học tập”. Tôi thường trả lời “Không có bí quyết gì cả. Quan trọng là niềm say mê.” Trả lời như vậy là một cách né tránh. Không sai nhưng cũng không đầy đủ. Tôi bắt buộc phải trả lời như thế khi mình chưa bao giờ suy nghĩ về vấn đề này một cách thấu đáo.”
Bài viết đó là một số suy nghĩ thấu đáo của NBC mà mình thấy rất tâm đắc vì sự đồng quan điểm. Dưới đây mình nói về cách nhìn của mình về ba điểm trong bài viết của NBC mà mình rất đồng tình.

☝️Thứ nhất là học là để làm cho mình tốt lên

NBC dùng từ “hướng thượng” và “hướng thiện” cho mục tiêu của việc học. Mình thỉ hiểu đơn giản là học giúp chúng ta tốt lên. Như thế vẫn chung chung: thế nào là tốt lên? Có người hiểu một cuộc sống tốt là có công việc tử tế, có danh vọng, một vị trí tốt trong xã hội. Có thể đây chính là ý nghĩa sau câu nói mà trẻ con hay được nghe: “Học để ấm vào thân.” Tuy nhiên, theo mình đó không nên là mục đích sâu xa của việc học, bởi nó dễ bị biến thành học để có được sự sung sướng vật chất, an nhàn và hưởng thụ nhờ vào sức lao động của người khác. Mình nghĩ học là để thông tỏ, để hiểu rõ về thế giới xung quanh, biết mình ở đâu và có được một trình độ tư duy nhất định để có thể tự suy xét những thứ ngoài sách vở khi rời trường học. Như vậy có nghĩa là mình đã tốt lên rồi.

Tất nhiên ai cũng cần một công việc và cuộc sống no đủ. Tuy nhiên, đó có lẽ không nên là mục tiêu cuối cùng hoặc bị đẩy quá xa thành niềm đam mê vật chất. Mình quan niệm rằng cứ theo đuổi đam mê và sự thông tỏ, rồi vật chất và tiền sẽ tự đi cùng, ít nhất là đủ cho một cuộc sống cơ bản. Mình tin nhiều nhân vật thành công và giàu có xuất chúng như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg không đặt tiền là mục tiêu quan trọng nhất khi họ khởi nghiệp.

✌️Thứ hai là chúng ta học trước tiên để hiểu rõ thế giới, rồi sau đó tự định nghĩa cuộc sống cho bản thân mình

Việc học (trong và ngoài trường) cho chúng ta hiểu biết khách quan về thế giới, trong đó có thế giới tự nhiên và thế giới con người. Sau khi hiểu rõ về thế giới, chúng ta mới nhận thức được vị trí của mình trong đó. Từ đó, chúng ta mới xác định được mình sống vì cái gì và phải sống như thế nào.

Mỗi môi trường sống (xã hội, đất nước) có những quy chuẩn riêng định sẵn cho mọi người về việc thế nào là sống và sống tốt. Về cơ bản, nó quy định các quy tắc xã hội (những điều được làm và không được làm), một bộ kỹ năng mà mỗi người cần có (như cách giao tiếp với người khác…) và một bộ mục tiêu mà mỗi người hướng đến (như có công việc, mua nhà, mua xe…). Theo mình, mỗi người không nên chấp nhận ba bộ này một cách thụ động mà nên tự định nghĩa cho mình. Đó chính là tự định nghĩa cuộc sống cho mình vậy.

Tuy nhiên, trong quá trình tự định nghĩa đó, chúng ta dễ đánh lừa chính mình. Nhiều bạn trẻ không hài lòng với cuộc sống gò bó được định sẵn (điều này tốt bởi các bạn nhận ra cần phải thay đổi), nhưng hơi vội vàng trong phản ứng dẫn đến sự bất mãn và phá cách theo một tiêu chuẩn lạ. Thực sự thì các bạn đã thay đổi, nhưng về bản chất là từ một cuộc sống được định nghĩa bởi bố mẹ, thầy cô sang một cuộc sống được định nghĩa bởi một nhóm bạn khác hay các trào lưu xã hội. Theo mình, để đủ vững vàng để tự định nghĩa cuộc sống, chúng ta cứ bình tĩnh học tập và quan sát trước đã, rồi sẽ quyết định dần một cách đúng đắn từ chính bản thân mình.

👌Thứ ba là việc học cũng như một trò chơi

Đi học cũng như một trò chơi vậy: bạn là người chơi, có người chơi cùng, có huấn luyện viên, trọng tài và phần thưởng. Điều này cũng lý giải sự cần thiết của trường học mặc dù mỗi người có thể tự học: khi học một mình, bạn thiếu người chơi cùng, huấn luyện viên và trọng tài, do đó trò chơi không hoàn chỉnh. Thời đi học, mình rất hứng thú khi được học cùng các bạn giỏi, ví dụ như khi học đội tuyển thi học sinh giỏi. Điều đó cũng như mình được đá bóng với những cầu thủ giỏi ở một giải đấu hấp dẫn. Vì thế, mình thấy thích chơi và gắn bó với trò chơi đó.

Mình nghĩ các học sinh mất động lực trong học tập không phải người chơi kém, mà là những người không hứng thú với trò chơi đó nữa. Có thể họ chưa rõ luật chơi, chưa nhìn ra hoặc không thích thú với phần thưởng, hoặc không tương tác nhiều với người chơi cùng. Trong khi đó, có rất nhiều trò chơi khác (có thể theo nghĩa đen) ngoài kia hấp dẫn hơn nhiều với các bạn đó.

👉Tựu trung lại, theo mình câu hỏi học để làm gì quan trọng hơn học như thế nào bởi khi đã xác định rõ mục tiêu của việc học thì chúng ta sẽ tự tìm được cách để (cố gắng) đạt mục tiêu đó, cũng giống như Cristiano Ronaldo rèn luyện hết mình để trở nên xuất sắc trong bóng đá vậy.

Posted in Cái nhìn cuộc sống | Leave a comment

Mùng 1 Tết Đinh Dậu 2017

Mùng 1 Tết Đinh Dậu!
Năm nay, mùng 1 và mùng 2 Tết âm lịch Đinh Dậu trùng vào thứ 7 và chủ nhật, vì thế mà anh chị em đón Tết xa nhà ở Pháp cũng được nghỉ mừng xuân mới.
Thứ 7 và chủ nhật này với người Pháp và nước Pháp, đặc biệt là vùng ngoại ô Orsay này, có lẽ cũng như những cuối tuần trước đó. Nhưng với người Việt, không khí hình như có khác. Mọi người đi đường dường như vui vẻ hơn, trong một hương sắc tươi mới. Những người già đứng trò chuyện trước cửa hàng bánh mì, những cô cậu học trò hớn hở tới lớp, một số gia đình đẩy chiếc xe có đứa nhỏ xinh xắn bên trong, đứa lớn hơn chạy theo hoặc đạp chiếc xe chòi chân bên cạnh, những chiếc ô tô chạy vội vã trên cùng một cung đường…
Liệu họ có đang bàn luận về những điều đã qua trong năm cũ, chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới. Năm nay nhà tôi sắm sửa được thêm cái này, con cái đạt một số thành công kia… Chắc là không rồi! Họ đang sống những ngày thường của họ. Nhưng trước mắt tôi, những con người ấy dường như đang hồ hởi trong khoảnh khắc mới mẻ của đất trời. Có lẽ cái không khí Tết Việt vẫn vương đậm trong tâm hồn, làm cho cảnh vật cũng khác đi. Không biết năm nào tôi lại được đón Tết cùng gia đình, đầm ấm, tươi vui…
Năm mới, khí thế mới cho thành công mới!
dsc01140-2
Anh chị em Hội Chém gió Supelec mở rộng đón Tết

JpegMỗi người góp một món cho một cái Tết đầy đủ.

Jpeg

CHÚC MỪNG NĂM MỚI ĐINH DẬU!

Posted in Chuyện đời tôi | Tagged , , | Leave a comment

Truyền thông hấp dẫn (Gravitational Communications)

Gần đây “cư dân mạng xôn xao” về việc sóng hấp dẫn lần đầu tiên được quan sát trong lịch sử, bởi đài quan sát LIGO. Sóng hấp dẫn mang lại cho con người một “con mắt” mới, cùng với sóng điện từ, để nhìn vũ trụ. Sóng, tức là sự dao động mang theo năng lượng, có thể mang thông tin. Vì thế mà khi thu được sóng, người ta có thông tin về nguồn phát hoặc nguồn phản xạ sóng (như mắt người thu được sóng ánh sáng, tai thu được sóng âm). Như vậy, sóng hấp dẫn cũng là một đối tượng mang thông tin. Điều đặc biệt sóng hấp dẫn được sinh ra với một biến động của không-thời gian, nên nó có thể đi “xuyên” không-thời gian nếu biến động này gây ra sự bẻ cong đủ lớn.

Sẽ thế nào nếu con người có thể sử dụng sóng hấp dẫn để truyền tin? Sẽ có một hệ thống truyền thông hấp dẫn (gravitational communications). Khó khăn ở bộ phát là làm sao để tạo ra biến động (hay bẻ cong) không-thời gian đủ lớn (như sự sát nhập của hai lỗ đen – sự kiện đã sinh ra sóng hấp dẫn vừa quan sát được bởi LIGO) và đưa thông tin vào sóng được sinh ra từ biến động này. Khó khăn ở bộ thu là làm sao thiết kế đủ nhạy để phát hiện sóng hấp dẫn và lọc ra thông tin.

Đài quan sát LIGO có thể coi là một bộ thu của hệ thống truyền thông hấp dẫn. Con người đang tiến nhanh hơn ở bộ thu so với bộ phát trong hệ thống này. Vậy thử tưởng tượng, khi chúng ta có những bộ thu “nhạy” hơn LIGO, có thể chúng ta sẽ thu được tín hiệu từ con người ở tương lai, tại thời điểm họ đã làm chủ được bộ phát. Như vậy là có giao tiếp xuyên thời gian. Giao tiếp xuyên không-thời gian đã xuất hiện trong bộ phim Interstellar khi nhà du hành vũ trụ rơi vào trung tâm lỗ đen, nơi không-thời gian được bẻ cong cực mạnh.

Ở một khía cạnh khác, khi con người có khả năng giao tiếp xuyên thời gian, sẽ có tranh luận về tính nhân đạo của hành động này, về tác động thay đổi lịch sử của nó; cũng giống như người ta tranh luận về tính nhân đạo của nhân bản vô tính với người.

Nhân tiện, mình mới tìm hiểu được là “gravitational waves” khác với “gravity waves” của động lực học chất lỏng. Như vậy, trong tiếng Việt cũng nên phân biệt hai từ tương ứng “sóng hấp dẫn” và “sóng trọng lực” chứ không thể dùng lẫn lộn như báo chí gần đây. Trước khi biết điều này, mình cũng dùng nhầm từ.

Posted in Cái nhìn cuộc sống | Tagged , | Leave a comment

Những môn học tốn phấn

Năm ngoái mình có chia sẻ một phần nói của Giáo sư Denis Le Bihan [1], có liên quan đến chuyện cách dạy và học dùng phấn, bảng và dùng slide. Mình tạm gọi loại đầu là “những môn học tốn phấn” và loại sau là “những môn học tốn điện”. Thời gian học tại Pháp, mình mới cảm nhận rõ sự khác nhau về quá trình truyền đạt-tiếp thu giữa hai loại này. Mình thích những môn học tốn phấn hơn, hay chính xác, mình thích cách dạy tốn phấn.

Thứ nhất, khi trình bày vấn đề trên bảng, Giáo sư thường viết tất cả và diễn giải vấn đề từ đơn giản đến phức tạp. Các nội dung xuất hiện theo trình tự, nên sinh viên có thời gian để theo dõi, bám theo ý và hỏi khi cần thiết. Giáo sư cũng có thể ghi chú, đánh dấu dễ dàng tại bất cứ điểm nào trong diễn giải lúc cần (như trong hình). Tính logic trong trình bày cao hơn giúp thông tin được tiếp thu một cách có kết nối (linking) và tổ chức nên dễ “vào đầu” hơn và súc tích hơn. Việc này giống như bạn xếp đồ vào vali: đồ được phân loại và xếp càng ngăn nắp thì càng dễ sắp đặt và xếp được nhiều đồ hơn.

Thứ hai, do Giáo sư cần thời gian để phân tích và viết nội dung lên bảng nên tốc độ trình bày thường chậm hơn việc trình chiếu một slide với nhiều nội dung xuất hiện đồng thời. Sinh viên có thể theo dõi từng dòng thông tin và không bị ngợp. Khi lượng thông tin quá mức tiếp thu xuất hiện một lúc, người ta có xu hướng ngại đọc, dù độ phức tạp có thể không cao.

Thứ ba, rất quan trọng, cách truyền đạt “tốn phấn” tạo động lực cho việc tiếp thu. Nội dung được viết ra sẽ được (bị) xóa đi trong thời gian ngắn nên sinh viên buộc phải theo dõi và ghi chép lại trước khi nó biến mất. Vì thế, thông tin lúc đó được coi là quan trọng, mà não bộ có xu hướng ghi nhớ thông tin quan trọng và bỏ qua thông tin ít quan trọng hơn. Hơn nữa, ghi chép là một bước tái tạo thông tin sau khi tiếp thu, hỗ trợ rất lớn cho việc hiểu thông tin.

Mình hi vọng những môn tiếp theo sẽ càng tốn phấn hơn nữa 🙂

Jpeg

Lý thuyết thông tin

Jpeg

Mã kênh


[1] https://khachoang1412.wordpress.com/2014/11/14/the-brain-naturally-memorizes-only-what-is-important/

Posted in Cái nhìn cuộc sống | Leave a comment

Người tình Sputnik – huyền ảo và diệu kỳ

Mơ hồ và huyền ảo, cũng như Rừng Na uy, Người tình Sputnik nói về những con người lập dị, đa ngã. Họ sống trong thế giới này mà dường như thuộc về một thế giới khác. Người đọc có cảm giác nắm được câu chuyện, nhưng không phải, cái họ hiểu rõ chỉ là chuỗi các sự kiện xảy đến với các nhân vật, chứ không phải con người của nhân vật. Qua những con người đó, truyện cũng như đưa tâm hồn người đọc xa dần khỏi thực tại, đến một cõi mông lung, rồi bỏ lại nó ở đó khi khép lại với kết thúc mở. Đóng cuốn truyện lại, có lẽ cần thời gian để người đọc lấy lại đầy đủ cảm giác về thế giới thực tại xung quanh mình.

Murakami đúng là một thiên tài.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_t%C3%ACnh_Sputnik

Posted in sách, Thơ, truyện | Tagged | Leave a comment